TIẾNG CHIM CU GÁY

Ngọc Tuân


Đã có lần tôi viết trong bài “Ngũ quỷ” gửi cho mục “viết về Lệ Thủy thân yêu” về những kỉ niệm tuổi thơ. Trong đó, tôi có kể với các bạn câu chuyện về tài nghệ bẫy chim của thằng Diên. Khi tôi xa quê, thằng Diên có tặng tôi một con Cu Gáy. Ngày ở Đồng Hới, tôi nâng niu con Cu Gáy như nâng trứng. Tiếng gáy của nó như đóng đinh vào trí nhớ của tôi bức tranh quê với lũy tre, với nắng hè chói chang, hai đứa nằm dưới bóng râm mát, cành tre sum suê lá xanh la đà theo gió. Tre cọ mình vào nhau kẽo kẹt, kẽo kẹt. Gió từ đồng thổi vào thỉnh thoảng mang theo tiếng chim cu gáy quyện trong hương thơm lúa chín.

Trưa nay, giữa cái nắng đầu hè Hà Nội, bỗng nghe tiếng chim cu gáy gù lên đùng đục rồi nó bổ liên tục “cúc cu cu – cù”, choàng tỉnh giấc trưa, lãng du theo tiếng gáy của nó về tận tuổi thơ. Nhớ như in hôm đó giữa trưa hè, thằng Diên xách cái lồng chim mồi đến rủ tôi đi bẫy chim. Gọi là chim mồi vì đó là con chim nhử để bẩy con khác. Chim cu gáy thường sống thành đôi, một trống một mái rất chung thủy với nhau. Mặc dầu khi đi ăn chúng tụ thành đàn, nhưng từng đôi vẫn quấn quýt lấy nhau. Trong đàn thường có một con trống đẹp mã làm “đầu đàn”. Nó có hình dáng đẹp đẽ, bước đi oai vệ, tiếng hót rất hay. Khi lãnh thổ bị con chim lạ “xâm lăng”, cuộc chiến sẽ xảy ra. Ban đầu là cuộc “đấu khẩu” bằng những tiếng gù, miếng xòe, lượn vòng. Sau đó là trận thư hùng bằng chân, bằng cánh ác liệt. Lợi dụng đặc tính này, người ta nuôi gột một con chim mồi có tiếng hót rất gây sự. Chim mồi được đứng trong chiếc lồng có hai cánh lưới hai bên, dương lên như cánh chuồn chuồn. Lẫy của nó là một cành cây chìa ra cạnh chuồng, dưới cái lưới. Nếu con chim đầu đàn xông đến đánh đuổi kẻ thù, đậu xuống chiếc cành là lưới sập.

Hôm đó, tôi bỏ luôn bài tập, chuồn qua lối bờ cây chè tàu, theo thằng Diên sang đồng Bể. Ở đó, vụ hè, đồng bãi người ta gieo vừng, trồng lạc. Lũ chim cu gáy thường tụ về đào bới kiếm ăn. Chúng sà xuống từng đàn, đậu trên tán cây duối, trên cành tre. Khi đã no nê, bản đồng ca cúc cù cu rền vang. Thằng Diên dẫn tôi men theo bờ tre, chọn một bụi tre to, bóng mát để ngồi rồi nó đem chiếc lồng chim mồi treo lên vòm cây duối mà hắn gọi là nhánh thế. Hắn giải thích với tôi rằng nhánh thế được chọn phải là vừa tầm, không cao lắm, lại có chỗ để chim hoang giả có được chỗ đậu thoải mái mà gáy đấu với chim mồi. Khi đã say máu, nó sẽ lân la đến gần chim mồi, nhảy lên đậu vào chiếc cành lẫy. Vậy là xong. Có hôm, không dùng lồng bẫy thì dương lưới dưới đất, buộc chân con chim mồi vào một chiếc cọc dưới chiếc lưới. Chim mồi đi lui, đi tới gáy theo tín hiệu lệnh của chủ nhân để gây sự.

Xong việc, thằng Diên trở về cạnh tôi, hắn thong thả ngồi bệt xuống đám cỏ, mồm cắn một cọng tre hắn nói với tôi. Nằm xuống đi, cứ thong thả mà hóng mát, chờ khi bẫy sập thì đi thu lưới với tao. Dưới bóng mát của rặng tre chiều hè, gió từ đồng thổi vào mơn man, tôi với nó khoan khoái ngửa mặt lên trời, hai tay đan lại gối đầu, nhìn đám lá lay bay, lay bay đu mình theo gió. Ngoài kia, con chim mồi đã cất tiếng gù và gáy âm âm loang cả trưa hè: cúc cù cu – cu, cúc cù cu – cu. Thằng Diên say sưa thuyết giảng cho tôi về chim cu gáy. Nó lôi ra cả một kho kiến thức làm tôi mê tít. Nó nói: mày biết không, để chọn được một con cu gáy làm chim mồi là một kỳ công. Đầu tiên, phải đánh cho được con chim hoang giã đem về nuôi cho quen bóng người, không còn sợ sệt rồi huấn luyện cho nó gáy theo hiệu lệnh. Con chim mồi là phải gáy hay, gáy càng hay càng được việc khi đi bẫy chim hoang. Hình như lũ chim cũng ganh ghét nhau từ tiếng gáy. Một con chim có thứ hạng phải là con biết gáy đủ ba thứ tiếng: gáy gù, gáy gọi, gáy trận.

Gáy gù thường được trổ tài khi chim trống gù mái hoặc khi lâm trận đánh nhau. Thông thường, tiếng gù của chúng có âm “cù … grù”. Nhưng cũng có con ngắt thành hai nhịp trong cùng một hơi gù: “cù grù cù”. Gù kiểu ấy gọi là gù chồng đấu. Chim hay là chim có nước gù cao, kéo dài. Thông thường chim chỉ gù khoảng 8 tiếng liên tục. Chim hay có nước gù đến 12, 13 tiếng. Chim có nước gù 19, 20 tiếng là chim hiếm.

Gáy gọi thường được cất lên lúc sang sớm, trưa hoặc chiều. Tất cả chim cu trống, chim cu mái đều gáy giọng gáy bổ này. Cách bổ của chúng thường có bốn liều, bổ trơn (cúc cù cu), bổ một (cúc cù cu .. cù), bổ hai (cúc cù cu ..cu cu), bổ ba (cúc cù cu.. cu cu cu). Quý nhất là con gáy bổ ba. Các cụ ví là “kim bất hoán”, nghĩa là vàng không đổi được.

Gáy trận là tiếng gáy mà các nghệ nhân sành chơi chim dùng để đánh giá con chim hay, dở. Đặc biệt lối gáy trận thường chỉ có ở chim trống. Khi gáy trận, nó nằm xuống sàn lồng, đầu chúc hẳn xuống, hơi xòe cánh, máy nhẹ xuống sàn rồi cất tiếng: cúc cù cu, cúc cù cu liên tục, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ. Người ta gọi kiểu gáy này là “sà đầu, máy cánh”.

Muốn cảm nhận được một tiếng chim cu gáy cho chính xác là cả một nghệ thuật. Những ai thấu hiểu được điều này sẻ rất thú vị khi thưởng thức tiếng chim cu gáy. Âm thanh tiếng gáy được chia làm hai loại. Đó là âm “gáy thổ”, giọng trầm ấm. Và âm “gáy còi”, giọng thanh cao. Thường con chim gáy giọng thổ bao giờ cũng chậm rãi, còn gáy còi thì nhanh và có tiếng dật. Đôi khi, để kiếm được con chim mồi có giọng hay, người ta phải tuyển trong vài trăm con mới được một. Vì vậy, giá trị một con chim mồi hay có thể đến vài chỉ vàng. Theo kinh nghiệm, những con được bẫy từ tự nhiên, nuôi, gột chi ly thì tiếng gáy hay hơn những con được nuôi từ khi còn non.

Chọn con chim để nuôi cũng phải kỳ công. Hình thức phải đẹp, thân hình cân đối, dáng như cái bắp chuối, ức nở, chót đuôi thu thon lại. Lông sáng màu, ép sát vào mình. Mầu lông xám tối thì giọng không hay. Màu lông có sắc phớt hồng như có phấn thì mau gáy, giọng được. Màu lông xám tía thì nuôi lâu mới gáy, nhưng gáy rất hay, rất bền, chọn làm chim mồi rất tốt, biết nghe lời. Mắt bé, con ngươi đen láy. Chân cao màu đỏ son, nhưng phải khô, có nhiều vẩy mốc trắng. đặc biệt lông chân phải phủ qua đầu gối, lông cổ như chuỗi cườm đen, trắng quấn lấy nhau như chiếc rèm hạt. Đầu nhỏ, tròn, lông đầu màu xanh xám, vệt lông đen phải kéo dài qua khóe mắt. 

Đến đây, thằng Diên như bị thôi miên trong âm thanh của tiếng chim cu gáy. Nó lim dim mắt, nghểnh ngãng chẳng để ý gì đến xung quanh. Có lẽ nó còn quên luôn có tôi bên cạnh. Tôi cất tiếng, cốt để lôi nó ra khỏi cơn mộng du bằng một câu hỏi vu vơ, chợt đến.

- Quý rứa răng mi để nó sống trong cái chuồng sùm sụp bằng nửa quả bí vậy?

Thằng Diên bật dậy, nó cười độ lượng ra vẻ tôi chẳng hiểu gì sất: Nói mi biết, lồng chim cu chỉ cần đủ chỗ cho nó đứng, xoay xở. Nó đứng vậy, như con gà con ngủ trưa, hơi cúi đầu xuống, nó mới gáy. Không phải như các loài chim khác, lồng phải rộng, có chỗ bay nhảy.

Tôi à lên một tiếng như được mở cánh cửa trí tuệ để khích lệ thằng Diên. Cốt để nó tuôn ra những thứ bí quyết nhà nghề được truyền từ ông nội nó. Quả có hiệu nghiệm, nó cao giọng hỏi tôi:
-Mi có biết cho cu gáy ăn dư răng không?
Tôi lắc đầu, nó cao hứng đọc luôn hai câu:
Cu cu ăn đậu ăm mè,
Bồ câu ăn lúa, chích chèo ăn khoai.

Đậu, mè, thóc là thức ăn chính, khoái khẩu của cu gáy. Thỉnh thoảng nên thêm một ít hạt kê, hạt lạc và một ít hạt sỏi nhỏ như hạt thóc để giúp dạ giày chim tiêu hóa thức ăn. Có người chu đáo hơn còn cho chim bổ sung đất ruộng (không hiểu có thứ vi lượng gì đó) mà nó chén ngon lành. Khi chim đã gáy thuần thục thì cho ăn nhiều thóc. Thóc cho chim ăn nên mua từng cân, đem về cho vào bao tải, đạp cho hết râu nhọn. Khi chim thay lông, lấy thóc ngâm vào nước, vớt ra, dập một quả trứng gà, đánh lên, trộn với thóc rồi cho lên mâm nhôm đảo khô trên bếp nhỏ lửa.

Đang say sưa, bổng có tiếng đập cánh phành phạch loạn xạ, thằng Diên bật dậy như một mũi tên lao đến chỗ con chim mồi. Hắn reo lên sung sướng: Một cu đực rựa. Cu này mà gột được là hót hết ý đây. Tau mang về gột rồi cho mi nuôi.

Đúng lời hứa, ngày tôi xuôi đò dọc theo ba về Đồng Hới, thằng Diên xách cái lồng có con chim cu gáy đã gột ra đến tận bến đò Chợ Hôm tặng tôi. Tôi ôm nó vào lòng thầm cám ơn những thằng bạn thân của tuổi thơ.

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét