KHÓA ĐẦU TIÊN CỦA TRƯỜNG CẤP 3 LỆ THỦY - VÀI KỶ NIỆM SUỐT ĐỜI


Sắp đến ngày kỉ niệm 50 năm thành lập cấp III Lệ Thuỷ (1962 - 2012), xin giới thiệu bài viết của một cựu học sinh khoá 1. 

Mùa thu năm 1962, Trường Cấp 3 Lệ Thủy ra đời, chúng tôi may mắn là những học sinh đầu tiên của nhà trường.

Trước năm 1960 khoảng 50 năm, Trường Tiểu học Lệ Thủy thành lập ở Cổ Liễu. Sau đó, trong ác liệt của kháng chiến chống Pháp, từ vùng tự do Mĩ Đức ra đời trường Hoàng Hoa Thám, tiền thân Trường Cấp 2 Lệ Thủy. Đến mùa thu năm 1962 ấy, lịch sử giáo dục huyện nhà bước sang trang mới, có trường cấp 3, con em Lệ Thủy không phải đi học ở tỉnh khác, huyện khác nữa Từ đó trở đi, Trường Cấp 3 Lệ Thủy sẽ là nơi ươm mầm, là bệ phóng nhân tài cho huyện nhà.

Tôi may mắn đạt giải Nhì học sinh giỏi Văn lớp 7 toàn tỉnh Quảng Bình năm học trước đó (1961-1962) nên là người duy nhất được lên thẳng, không phải dự kỳ thi tuyển vào Cấp 3 rất gian khổ. Kỳ thi năm ấy, toàn huyện có 86 học sinh đỗ vào khóa đầu Trường Cấp 3 Lệ Thủy. Rất tình cờ số học sinh trúng tuyển phân bố đều ở các xã. Đông nhất là những xã có truyền thống học hành như Phong- Lộc- Liên- Xuân- An- Sơn. Vì vậy, khi chia làm hai lớp, số học sinh hai bờ Kiến Giang tương đương nhau. Lớp 8A gồm hầu hết bên tả ngạn, lớp 8B của tôi bên hữu ngạn. Tất nhiên, các xã Tân - Dương - Hoa,…thì có điều chỉnh chút ít.

Trường nằm sát bờ Kiến Giang, gần cuối thôn Phan Xá, 50 năm nay vẫn dường như không xê dịch lắm, mỗi lần trở lại trường, chợt nhớ câu thơ của Trần Quang Đạo:

Ta như cánh diều
Hồn mãi buộc mái trường bên sông Kiến….

Lúc đầu, trường tiếp quản một cơ sở nào đó trong huyện, nên có sẵn một dãy nhà nền móng đá hộc khá cao, lợp ngói với 3 phòng học rộng. Năm đầu chỉ có hai lớp, nên một phòng dành cho Ban Giám hiệu. Sau đó ít lâu, trường làm thêm hai dãy nhà tranh hai bên, năm sau làm thêm dãy nhà tranh đằng sau vườn trường. Những dãy nhà tranh đó, cái thì để làm chỗ ăn ở cho các thầy, cái thì làm phòng học cho các em lớp sau, còn có cả lò rèn và xưởng mộc,…Mỗi lần ra chơi, tôi khoái cái bễ lò rèn phì phụt và sợ nhất mỗi lần mùa lũ lụt ngập trường xong, lại lổm nhổm gánh rơm rạ đến trường nhào bùn trát lại cả dãy phên đất cho phòng học!

Ấn tượng mạnh mẽ và khắc ghi dấu ấn suốt đời tôi là sáu thầy giáo năm đầu tiên, tất cả đều không phải là người Lệ Thủy. 

Thầy Hiệu trưởng Vũ Xuân Dương rất thông thái, đẹp trai, hào hoa, phong nhã, nên cả những lúc nghiêm khắc nhất, nghiêm túc nhất cũng không làm chúng tôi e sợ. Thầy là dân văn chương, nhưng làm Hiệu trưởng một trường huyện chỉ có 2 lớp nên phải dạy thêm môn Địa, dĩ nhiên là dạy kiểu ga-lăng, các địa danh dài dằng dặc được Thầy nói chệch bằng các từ nghịch ngợm (chẳng hạn núi Acôngcagoa Thầy đổi là Ai-cũng-có-gà) cho dễ nhớ, làm bọn tôi khoái lắm! 

Thầy Lê Công Mục dạy Văn, một mẫu mực của kết hợp sự toàn vẹn trong hệ thống kiến thức và sự phóng túng cho tư duy học trò: nhờ phương pháp tuyệt vời ấy mà hơn một nửa học sinh lớp tôi trở thành “nhà văn, nhà thơ” trên báo tường của lớp. Phương Hà (Trần Phước Thăng) dạo đó có mấy chục bài thơ rất được. Hoàng Mạnh Tường lúc lớp 9 đã viết báo trung ương, mỗi lần nhận nhuận bút từ Hà Nội gửi vào, đều đãi tôi tô “Phở Mụ Dạ” (mẹ Lâm Thị Mỹ Dạ bán phở bến xe huyện). Riêng tôi, sau này vào Khoa Toán Đại học Sư phạm rồi 26 năm làm lính chiến trong quân đội thế mà có lẽ nặng duyên nghiệp với Thầy Mục nên cuối cùng lại làm Tổng Biên tập một Tạp chí của Đảng. Làm nghề Tuyên huấn, nghĩa là kiếm cơm nuôi vợ con nhờ vào cái vốn văn chương Thầy dạy cho từ thời Cấp 3 Lệ Thủy! 

Thầy Nguyễn Công Tâm - công tử Thành Vinh điển trai lắm, mắt sáng môi hồng như thiếu nữ, đã truyền cho chúng tôi vẻ đẹp trọn vẹn của Toán học, không chỉ là ở cái cân đối, chính xác, bất ngờ, toàn mỹ của mỗi bài toán Thầy say sưa giải, mà còn ở sự trình bày. Mỗi bài giảng trên bảng của Thầy như một bức họa, chữ viết và hình vẽ tuyệt đẹp, riêng hình tròn Thầy chỉ luôn vẽ bằng tay mà tròn như quay com-pa! Cũng như Thầy Mục dạy Văn năm đầu phải kiêm thêm môn Sử, Thầy Tâm dĩ nhiên ngoài Toán phải dạy kiêm thêm môn Vật lý.

Thầy Nguyễn Tấn Ngữ dạy Trung văn, dân Hà Nội gốc, lại được đào tạo từ Đại học Bắc Kinh- Trung Quốc. Thật là một may mắn lớn cho học sinh Lệ Thủy khi học ngoại ngữ với ông Thầy “xịn” như vậy. Cách dạy của Thầy đem đến hiệu quả nhanh chóng và rất cơ bản, lâu dài với chúng tôi. Sự thật này nói ra bây giờ ít người tin, dân nhà quê bọn tôi học ngoại ngữ 2 tiết mỗi tuần thế mà đến giữa năm lớp 9, Thầy đã rèn học trò bằng cách bắt chúng tôi tự làm báo tiếng Trung Quốc! Báo ra hàng tuần, lấy tên “Hồng tinh Tuần báo” (Húng xing châu pao - Tuần báo Sao Đỏ), viết bằng phấn trên hai bảng đen to tướng kê liền nhau ở góc sân trường. Tôi được Thầy giao lập Ban Biên tập, ngoài tôi còn có Hoàng Mạnh Tường và Lê Thanh Đản văn hay và chữ tốt (Tường viết chữ chân, còn Đản viết chữ thảo).

Thầy Ngô Mạnh Quát, người cao lớn phương phi phong độ, chắc là “cán bộ to ở cấp nào đó” (bọn tôi kháo nhau thế) về trường dạy Chính trị. Mãi về sau mới biết bọn ranh quê chúng tôi đoán đúng phóc: Cụ là đảng viên duy nhất được giao về dạy dỗ chúng tôi. Phải nói thật là ngay từ đầu, Cụ đã gieo vào tâm hồn trong trắng chúng tôi một loạt khái niệm mơ hồ và dữ dội của triết học mácxít, khiến cho tôi đúng 20 năm sau, khi được Quân đội cử đi học lớp nghiên cứu sinh Triết học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nghe ông thầy nào ở Trường Đảng giảng bài cũng lại nhớ đến Thầy Quát. Tôi sợ nhất cái món “Sổ tu dưỡng hàng tuần” của Thầy Quát. Chẳng phải vì tôi hay nghịch ngợm, mà vì tôi thực sự rất lúng túng mỗi khi bị buộc phải chia con người mình ra hai phần ưu điểm và khuyết điểm.

Thầy Nguyễn Bảo Hoàn là giáo viên Chủ nhiệm lớp 8B chúng tôi. Thầy là người để lại tình cảm sâu đậm nhất trong tôi và rất nhiều anh chị em dăm bảy thế hệ học sinh đầu tiên của Trường Cấp 3 Lệ Thủy. Thầy quê ở đất quan họ Bắc Ninh, rất đẹp trai, hào hoa và dễ thương dễ mến (mấy chị lớp tôi và nghe nói nhiều em khóa sau nữa đều thầm yêu trộm nhớ Thầy!). Thầy dạy Sinh vật, nhưng phải kiêm thêm môn Hóa trong năm đầu. Kiến thức của Thầy rất rộng, các vấn đề được Thầy dẫn giải sắc sảo, dễ hiểu và gợi mở. Chẳng thế mà sau nhiều năm dạy ở Cấp 3 Lệ Thủy, ra tu nghiệp ở Đại học Sư phạm Hà Nội là Thầy được giữ lại luôn làm cán bộ giảng dạy. Rồi từ Đại học Sư phạm Hà Nội sang tu nghiệp ở Cộng hòa Liên bang Đức, Thầy được mời ở lại dạy bên Đức cho đến tuổi hưu mới về nước. Thầy là mẫu mực cho tôi sau này noi theo phong cách gắn bó giữa học và hành, giữa trí nhớ và tư duy lôgic, giữa công việc và tình cảm! Thầy say sưa cùng chúng tôi làm thí nghiệm, say sưa cùng chúng tôi lao động. Những đêm trồng sắn tự túc trên Mĩ Đức, những ngày đào hào đắp lũy khi giặc Mỹ bắt đầu bắn phá thầy trò bên nhau. Thầy say sưa hát và dạy lớp chúng tôi nhiều bài hát. Đến giờ tôi vẫn còn thuộc cả lời tiếng Nga của bài “Tuổi trẻ sôi nổi”. Thầy dạy lúc chúng tôi chưa biết tiếng Nga mới tài chứ! Thầy rất thương học trò, nhà tôi nghèo, chỉ một mình mẹ tôi lao động, từ lớp 8 tôi đã phải nhận chân phụ chạy máy bơm nước buổi chiều cho Hợp tác xã để kiếm chút công điểm. Mẹ tôi phải lên tận trường xin và may sao, Thầy thương tình miễn cho tôi suất lao động các chiều thứ Năm ở trường.

Hai lớp đầu tiên, 8A và 8B của Trường Cấp 3 Lệ Thuỷ mới đáng nhớ đáng yêu làm sao! Mới đó mà đã 50 năm, trong số học sinh ít ỏi ấy đã có gần hai chục bạn qua đời, trong đó sớm nhất là 2 liệt sỹ Nguyễn Văn Ấm- 8A và Ngô Đức Lắc- 8B.

Học sinh khoá đầu tiên có một điểm khác hẳn với tất cả các khoá sau đó là sự không đều về tuổi tác. Vì học sinh khoá này học lớp 1 từ năm 1955, đó là năm học đầu tiên sau chiến tranh. Thời kháng chiến chống Pháp, Lệ Thuỷ quê mình bị giặc chiếm đóng một nửa phía biển, nửa còn lại bị đạn bom, càn quét liên miên nên trẻ con hầu hết thất học. Tôi ở vùng địch tạm chiếm, học tiểu học ở Thượng Phong, 7 tuổi mặc quần xẻ đũng thủng đít hát quốc ca nguỵ quyền “Này thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…”. Có hôm, đang gào quốc ca có thằng bạn đằng trước đau bụng ỉa đùn ra quần, thối hoăng. Vào học lớp 1 năm đó nhiều anh chị hơn tôi dăm bảy tuổi. Vì vậy, Khoá I có những anh chị sinh năm 1940,1941, bọn tôi nhóc con sinh năm 1947,1948.

Các anh lớp trưởng, bí thư Đoàn đều lớn tuổi, ăn mặc chững chạc, nói năng lúc nào cũng nghiêm trọng. Các chị em đều đoan trang, chỉnh chu chứ không tào lao bắng nhắng như phần đông bọn con trai chúng tôi. Bên lớp 8A có hai cán bộ là anh Đăng và anh Đờ: trong khi bọn tôi phấn đấu mãi mà suốt ba năm học cấp 3 không thể vào Đoàn, thì anh Đăng đã là Đảng viên lúc nào không biết! Bên 8B chúng tôi, hai thủ lĩnh trông hiền hơn là anh Rý và anh Khung. Gọi là Khung râu, vì trong lúc chúng tôi vẫn nhẵn nhụi trên dưới thì anh Khung đã sở hữu một bộ râu quai nón, dù anh thường xuyên cạo nhưng cái dấu vết nam nhi oai vệ vẫn hằn xanh hai bên má. 

Nhiều tấm gương vượt khó học tập làm chúng tôi rất cảm phục. Thiệp ngồi cạnh tôi nhà nghèo lắm, trong lớp nhiều anh chị có bút máy, tôi chỉ có bút chấm mực, nhưng Thiệp còn tệ hơn, phải vót que tre chấm mực thay bút. Hắn với tôi bàn nhau đập sứt đầu lọ mực rồi đặt vào hẻm tường, để vừa đỡ mất công mang theo, vừa không bị ăn cắp. Nhiều bạn ở xa trường 9, 10 km phải đi bộ vất vả. Đặng Quang Vinh cụt một chân, chống nạng 5km từ nhà đến trường, suốt 3 năm lội mưa gió, lụt bão, không bỏ học buổi nào. Sau này Vinh ra Hà Nội học liền mấy bằng Đại học, làm Trưởng Ban Biên tập Nhà Xuất bản Thanh Niên, vợ con, cháu ngoại, nhà cửa đề huề, là niềm tự hào của bạn bè cùng lớp. Nhiều bạn quá xa ở Sơn Thuỷ, Hoa Thuỷ, Hồng Thuỷ,…phải tìm chỗ trọ ở làng Phan Xá trong điều kiện gạo cơm, thức ăn thiếu thốn. Anh Thịnh ở Sơn Thuỷ, sau này tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp về quê rồi làm cán bộ lãnh đạo to, ấm no, oai vệ ở huyện, nhưng thời học sinh rất gian khổ. Có câu chuyện rằng, mỗi tuần Thịnh chỉ có đúng 3 lon gạo, một hôm vớ được một con chim ắc-là gãy chân ngoài ruộng, Thịnh phải chia gạo ra nấu cháo mà húp cầm hơi, mà học suốt tuần. Một con ắc-là, ba lon gạo cháo trở nên thành ngữ của khoá tôi, để nói cái cảnh học trò thuở ấy! 

Tôi chơi thân với các anh hơn tôi 6,7 tuổi trong lớp là anh Điền ở Thượng Phong, anh Đồng đen ở Xuân Hồi, anh San ở Cổ Liễu, thì nay các anh đều đã mất vì bạo bệnh! Dĩ nhiên, thân thiết nhất là đám bạn “nối khố” gần tuổi nhau, cùng làng, cùng lớp. Ngay từ lúc cùng ngồi ghế cấp 1 Phong Thuỷ, cấp 2 rồi cấp 3 Lệ Thuỷ, mỗi người một vẻ, nhưng dấu ấn bạn bè để lại không bao giờ tàn phai.

Nguyễn Tuệ học suốt 10 năm phổ thông với tôi, thông minh và cương trực, là người có học vị Tiến sỹ đầu tiên của Lệ Thuỷ trong thời hiện đại, bảo vệ tại Ba Lan rồi dạy Toán ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Angiêri, Pháp,….Chị Sáu và cô em họ Trang của tôi là những nữ sinh rất thông minh, nhiều lúc bí bài, lười học, tôi phải nhờ sự trợ giúp của hai vị này. Chị Sáu vì lý lịch gia đình mà không được đi học Đại học, nay chị và em đều đã ra người thiên cổ. Trong lớp tôi chơi thân với Hoàng Mạnh Tường vì hắn quý tôi, nhà hắn vào loại khá giả. Tường có ông chú là nhà thơ- nhạc sỹ Hoàng Đình Luyện, một nhân sỹ trí thức bị quy kết vào “nhóm Nhân văn – Giai phẩm chống Đảng”, nên từ ngoài Bắc buộc phải về quê sinh sống, đem theo một kho sách cả huyện Lệ Thuỷ nằm mơ cũng không thấy. Nhờ đấy mà hai thằng tôi cứ như hai chú chuột gặm dần kho sách ấy. Lớp có một vài bạn học sinh con cán bộ quê miền Nam, như Thăng, Khánh, Tùng, Diệu Thư,…được bạn bè, bà con rất thương mến. Diệu Thư, đúng như tên của nàng, là học sinh giỏi Văn nhất trường. Trần Phước Thăng có năng khiếu văn chương, lúc học Cấp 3 Lệ Thủy là cây Thơ chủ lực của Báo tường lớp tôi, có tuần đăng vài bài, bút danh là Phương Hà. Sau này thành nhà báo nổi tiếng của Báo Đại Đoàn Kết, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thăng và Hoàng Đại Cử đều là bạn tôi. Trong lúc Hoàng Mạnh Tường và tôi hơi tếu táo, thì Thăng và Cử thành một cặp khá nghiêm chỉnh, hơi hàn lâm và đạo mạo. Tôi và Tường làm vài bài thơ đăng trên báo tường của lớp trêu đùa mỉa mai cái vẻ đó của hai bạn, không ngờ lập tức bị Thăng- Cử phản công lại dữ dội, tất nhiên cũng bằng thơ! Thế là một cuộc đại chiến bằng văn thơ kéo dài gần 3 tháng trời trên báo tường của lớp, lôi kéo nhiều thành viên chia thành “hai phe”. Tôi làm 3 bài thơ kiểu Tú Xương, lấy nhan đề là “Ngẫu hứng” (1, 2, 3), nên vụ này về sau gọi là “Vụ Ngẫu hứng” với hồ sơ của Ban Giám hiệu gồm gần 50 bài văn thơ kiểu đó. Thầy Chủ nhiệm Nguyễn Bảo Hoàn và nhà trường không ngờ sự việc đi quá xa, quá đà gây xáo trộn trong lớp, nên ra tay dẹp loạn. Kết quả là tôi bị phê bình trước toàn trường. Còn Tường, cộng thêm tội viết bài chọc ngoáy đăng Báo Người Giáo viên nhân dân nên bị nặng hơn - cảnh cáo ghi học bạ. Vì cái tội này, nên khi sắp tốt nghiệp phổ thông, nghe tôi ghi nguyện vọng đại học vào Khoa Văn, ba tôi tức tốc từ Đồng Hới về, cùng với hai ông bạn là Thầy Phan Hiến ở Đại Phong và Thầy Nẫm ở Quy Hậu thuyết phục tôi chuyển sang Khoa Toán. Tôi nhớ Thầy Nẫm còn giải thích thế phong thủy, sông núi của huyện nhà, rồi hùng hồn kết luận: “Đất Lệ Thủy quê miềng, đứa mô theo nghiệp văn chương báo chí, trước sau rồi cũng nghịch cả! Mi mới thiếu niên mà đã ngẫu hứng, ngẫu hiếc, sau này còn loạn đến đâu! Thôi đừng văn chương, thơ phú chi nữa mà cực cả đời nghe con!”. Tôi đã nghe theo chỉ giáo của các bậc phụ huynh! Về sau, khi nghe tôi làm Trưởng Phòng Tuyên huấn Tổng cục Kỹ thuật của Quân đội, rồi chuyển sang Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương làm Vụ trưởng, Vụ phó chi chi đó, Ba tôi lo lắm, ông sợ cái nghiệp chướng năm nào lại quàng vào cổ tôi.

Nhưng tôi đâu ngờ kết thúc cuộc đời học sinh Cấp 3 Lệ Thủy năm ấy lại đắng cay với rất nhiều người! Không phải vì đây là năm học đầu tiên bị Mỹ giội bom, phải thi tốt nghiệp phổ thông dưới hầm hào mà vì đây là năm học đầu tiên học sinh không thi, chỉ cử tuyển vào Đại học. Ai lý lịch tốt nhất thì đi học nước ngoài, ai tốt vừa vừa thì học trong nước, cứ theo câu “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Sư Phạm bỏ qua, Nông Lâm gác xó,….” mà phân phối. Còn ai lý lịch có vấn đề, nhẹ thì ưu tiên cho đi Sư phạm cấp tốc 10+1, 10+2 (1,2 tháng), nặng thì ở nhà cải tạo lao động trên ruộng đồng. Cũng như nhiều làng quê khác của Lệ Thủy, làng Thượng Phong chúng tôi là một làng thuần nông văn hiến đạo đức, ông bà cha mẹ chúng tôi đều hiền lành tử tế. Chính quyền xã bấy giờ, với tinh thần cảnh giác cách mạng vẫn phát hiện ra được vô số gia đình có vấn đề khả nghi về lý lịch. Làng tôi năm ấy có 8 bạn học cùng lớp, trừ Võ Văn Thanh nhập ngũ năm lớp 10, còn lại đều “có vấn đề”. Tuệ cũng là phần tử chậm tiến, chưa phải Đoàn viên, gốc gác khá giả, may sao bố Tuệ là sỹ quan quân y, bác ruột là ông Duật đương chức Thường vụ Tỉnh ủy, nên hắn thoát hiểm, được vào Đại học trong nước. Chị Sáu “đứt” ngay từ đầu, vì là “con phần tử có nợ máu với cách mạng”. Điền, Thịnh, Nghênh, Đản và tôi bị loại khỏi danh sách vào Đại học vì cả 5 đứa đều thuộc diện “lý lịch có vấn đề”. Thực ra các cụ hai dòng nội ngoại nhà tôi đều có ăn lộc Triều Nguyễn nhưng đã mấy đời trước rồi, bây giờ chỉ còn sót lại cái gia phong, chứ trống trơn của cải. Ông cậu ruột của tôi làm ăn từ trước Cách mạng, năm 1945 ở Sài Gòn, nhưng đó là một vấn đề nghiêm trọng về lý lịch, vì “rất có thể Cậu mi đã theo địch” như lời giải thích suy luận hùng hồn của ông bác họ làm Trưởng Công an xã Phong Thủy.

Mùa hè năm 1965, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi ngậm ngùi nhìn nhiều bạn lần lượt lên đường ra nước ngoài, ra Hà Nội học Đại học. Tôi trở lại với chiếc máy bơm nước quen thuộc của Hợp tác xã, trong tay bây giờ thay cây bút là một khẩu súng trường trực chiến mà dân quân xóm phát cho. Một năm trời âm thầm, bền bỉ sản xuất - chiến đấu, tôi được xã bầu cho cái danh hiệu “xã viên hai giỏi”. Có lẽ vì làm bạn với chiếc phà máy bơm BAMO, nên tôi không va chạm, không làm mất lòng ai. Tuy lý lịch phải mất 18 năm sau nữa mới được nâng hạng để kết nạp Đảng, nhưng chỉ 1 năm sau, tôi được xã chiếu cố nên được gọi vào Khoa Toán Đại học Sư phạm. 

Từ đó đến nay, bao nhiêu may rủi của cuộc chiến tranh, bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống đã in dấu đời tôi. Tôi thầm cám ơn số phận đã dành cho mình những năm tháng là học sinh khóa đầu tiên của Trường Cấp 3 Lệ Thủy, mái trường thân yêu, bệ phóng vững chắc của suốt cuộc đời!

                                                    PHẠM XUÂN THÂU

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét