HÒ KHOAN LỆ THỦY: TÌNH YÊU, KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI CON XỨ LỆ

BBT: Sau khi dự buổi nghe nói chuyện và tặng sách Hò khoan Lệ Thủy tại nhà Văn hóa huyện nhà, bạn Ngô Mậu Tình đã có bài viết rất cảm động sau đây, xin giới thiệu với bà con.

Phải nói rằng, sau hai năm website hokhoanlethuy.edu.vn và các câu lạc bộ “Hò khoan Lệ Thủy” đi vào hoạt động, hò khoan Lệ Thủy thực sự đã được bảo tồn và phát triển. Những người con quê hương xứ Lệ đã đến với di sản văn hóa này như một nhu cầu tự nhiên, tất yếu. Và cũng chính từ sự đồng điệu, cảm thức về mạch nguồn văn hóa của nghìn đời cha ông để lại, ông Đặng Ngọc Tuân đã dày công biên khảo, sưu tầm các lời hò khoan cổ với 05 mái truyền thống tập hợp thành quyến sách “Hò khoan Lệ Thủy” . Đây là sự gặp gỡ tâm hồn, sự đồng điệu sẻ chia của những người con xa quê đầy tâm huyết với văn hóa Lệ Thủy nói chung và với những người đang cố gắng phục dựng, phát triển hò khoan Lệ Thủy tại quê nhà.

                                  Tác giả sách Hò khoan Lệ Thủy trong buổi nói chuyện

* Ngân mãi câu hò khoan xứ Lệ:

Cuộc nói chuyện của ông Đặng Ngọc Tuân trước các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, đại diện các phòng ban, ngành cấp huyện, Ban Tuyên Giáo huyện ủy, Đài phát thanh - truyền hình Lệ Thủy, TTVTTT huyện và các đồng chí Hiệu trưởng cùng các đồng chí chủ nhiệm câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy tất cả trường học đóng trên địa bàn Lệ Thủy diễn ra từ 8h sáng ngày 14 tháng 12 năm 2013 thực sự gây được cảm xúc, khơi dậy được văn hóa Lệ Thủy tiềm ẩn bấy lâu nay. 

Mọi người như vỡ òa, hạnh phúc khi nghe ông Đặng Ngọc Tuân trình bày các vấn đề về mạch nguồn, nét đặc sắc của hò khoan Lệ Thủy... Ông trò chuyện như ở nhà, say sưa, nhiệt huyết về vốn văn nghệ của quê hương bằng tất cả tấm lòng và sự hiểu biết của mình. Ông đã hò minh họa và có những so sánh với hò khoan Nghệ An, hò khoan Quảng Trị…Chúng tôi nhận ra rõ hơn về hò khoan Lệ Thủy quê hương mình.

Hay lắm! Tự hào lắm! Sướng lắm! là những từ được tác giả tập sách “Hò khoan Lệ Thủy” nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong hơn 03 h đồng hồ diễn thuyết. Mọi người vỗ tay tán thưởng sau những ý kiến độc đáo và phần minh họa tâm huyết của ông. Đó là phần thưởng vô giá với cá nhân ông và sự vinh danh chân thật nhất của những người con Lệ Thủy sáng nay có mặt tại nhà văn hóa trung tâm Lệ Thủy. Tôi nói với bác Tuân : “ Thưa bác! Hiếm lắm mới được nghe một người có hiểu biết sâu sắc nói về hò khoan làm mọi người “ sướng” thế này. Hiếm lắm những tràng pháo tay dành cho người diễn thuyết về văn hóa trong hội trường này!”.

Niềm tự hào của ông Đặng Ngọc Tuân là có cơ sở, bởi hò khoan xứ Lệ hình thành từ sự hợp lưu của nền văn hóa Đại Việt và văn hóa Chiêm Thành bắt đầu từ năm 1069, nghĩa là ngót nghét 1000 năm rồi. Cũng theo ông Tuân, mạch nguồn làm nên làn điệu hò khoan xao động lòng người cũng bắt đầu từ đặc điểm phát triển của người xứ Lệ; nắng cháy mưa chan, người dân ngàn đời nay phải đối mặt với biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu. Người Lệ Thủy lớn lên, sinh tồn trên mảnh đất khắc nghiệt của thời tiết, phương tiện đi lại chủ yếu nhờ bằng ghe thuyền… Vì thế, họ khoan Lệ Thủy có thần thái riêng biệt không bao giờ trộn lẫn. Điều đặc sắc ở chỗ, người hò cái, hò con trong hò khoan Lệ Thủy ngang bằng nhau về “vai vế”, ai cũng có thể thành người hò cái và ngược lại. Đặc điểm này, làm chúng ta cắt nghĩa được vì sao hò khoan Lệ Thủy sinh ra để phục vụ văn hóa lễ hội và không có mặt ở văn hóa cung đình.

                         Nhóm “Lệ Thủy quê tôi” cùng ông Đặng Ngọc Tuân(mặc com lê trắng)

* Lại nói về công việc tiếp nối:

Bảo tồn và phát triển làn điệu hò khoan Lệ Thủy là mục đích chính cuộc gặp gỡ của cá nhân ông Đặng Ngọc Tuân với mọi người sáng nay tại nhà văn hóa trung tâm huyện. Song, đó còn là nơi gặp gỡ của những người trọng nhau về nghĩa, mến nhau vì tình, say vì câu hò khoan xứ Lệ… Đó là truyền thống, là giá trị sống ngàn đời của người dân quê ta. 

Hôm nay, ngọn lửa nhiệt thành với văn hóa quê hương ấy thực sự được các thế hệ thay nhau tiếp nối, âm thầm trao gửi tình yêu vào thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Cuộc gặp mặt kết thúc song mọi người có niềm tin hò khoan Lệ Thủy vẫn đang căng tràn sức sống, là văn hóa phi vật thể đặc biệt quý giá, rất khó tìm thấy ở các loại hình văn hóa nghệ thuật khác.

                            Trao tặng sách cho các trường

Có thể nói rằng, tình yêu với quê hương xứ Lệ cùng những làn điệu hò khoan độc đáo đã chảy trong từng mạch máu của mỗi người dân Lệ Thủy. Cùng với sự nỗ lực cố gắng đưa hò khoan Lệ Thủy vào trường học của ngành GD&ĐT, thành lập các câu lạc bộ hò khoan, thậm chí khai trương trang web dành cho di sản văn hóa hóa này đã làm thức dậy không ít cảm thức văn hóa cho triệu triệu trái tim con em huyện nhà. 

Tình yêu đó được cộng hưởng, nhân lên bội lần khi được sự quan tâm tuyệt vời của con em Lệ Thủy công tác ở khắp mọi nẻo đường tổ quốc. Tình yêu ấy có trong trái tim của những nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà giáo dục, các nghệ nhân, rồi từ học sinh, sinh viên, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân, chính khách cho đến các bác nông dân ngày đêm bám đất bám làng xây dựng quê hương. Tình yêu đó ngày càng tỏa sáng và đẹp biết bao khi mỗi người đều biết biến tình yêu thành những việc làm thiết thực để bảo tồn, gìn giữ và phát huy hò khoan Lệ Thủy.

Trong bài nói chuyện của mình, ông Đặng Ngọc Tuân nhắc đến "Trí thức bình dân", “Nghệ sĩ vườn” (Chữ của nhà văn Nguyễn Thế Tường), Lê Đình Luyện và rất nhiều nghệ nhân khác của Lệ Thủy. Những người con quê hương này là những chủ thể sáng tạo, nuôi dưỡng và giữ gìn hò khoan Lệ Thủy. Chính nhờ tình yêu của những người tâm huyết với hò khoan nên thực sự di sản văn hóa này đã và đang sống rất khỏe ở nơi nó được sinh ra và từng bước có sự lan tỏa rộng dài trên mỏi nẻo đường tổ quốc.

Để cho hò khoan Lệ Thủy trở thành văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia như ý nguyện của ông Đặng Ngọc Tuân là công việc tiếp nối sau buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này. Trước hết, chúng ta phải nhận thấy rằng sự tồn tại và phát triển của hò khoan Lệ Thủy phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, gắn với đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, để hò khoan Lệ Thủy được vươn xa, trở thành nét sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân xứ Lệ thì việc có chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, khuyến khích các câu lạc bộ hò khoan phát triển, đưa hò khoan vào giảng dạy trên địa bàn huyện. Cùng đó là việc tạo điều kiện và tổ chức không gian diễn xướng hợp lý cho hò khoan Lệ Thủy cũng là điều đáng suy ngẫm.

Tại buổi gặp mặt nói chuyện về hò khoan Lệ Thủy, ông Đặng Ngọc Tuân đã thổ lộ mong ước cùng với những người con xa quê xây dựng một mái đình hò khoan, để các nghệ nhân có không gian biểu diễn. Cũng theo người con tâm huyết này của quê hương, ông đã có những tư liệu quý lịch sử để khẳng định Hò khoan Lệ Thủy cũng có ngày kỷ niệm, nhằm vào ngày 29 tháng 02 âm lịch. Điều đó, đã thêm những căn cứ nữa để cho chúng ta có quyền tin tưởng, hy vọng rằng, trong một ngày không xa hò khoan Lệ Thủy sẽ trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia.

Ngô Mậu Tình

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 0 nhận xét Đăng nhận xét