KHE NHÀ MẠC - HÓI ĐẠI PHONG VÀ CÂU CHUYỆN LƯU TRUYỀN

Nguyên Hoàng

Một chiều đông, tôi ngồi hóng chuyện với ông ngoại, nghe ông kể về những câu chuyện hay ở làng mình (Làng Đại Phong). Dù những câu chuyện ông kể cũng chỉ được truyền lại từ các cụ thời xưa giờ đã khuất núi. Những câu chuyện làm tôi hiểu hơn về văn hóa, về con người nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên. 

Cũng khá lâu rồi muốn viết 1 bài viết về “Hói Đại Phong” gắn liền với tuổi thơ của tôi và gia đình. Nơi mà từ lâu trong lòng tôi canh cánh một điều gì đó, gắn liền với một câu chuyện từ xa xưa, từ thuở khai sinh. Điều ấy thúc giục tôi lần tìm từ những lời kể của các bậc cao niên trong làng và những ghi chép về lịch sử của làng.

                           Một góc Hói Đại Phong nay (ảnh từ Phạm Hữu Thanh Bình)

“Hói Đại Phong” bắt đầu từ Chợ Tuy hay còn gọi là Chợ Hôm (là phần đất giáp ranh giữa Đại Phong và Tuy Lộc nay) đến vùng đất đầu của làng Mỹ Phước. Tên gọi đầu tiên của nó là “Khe nhà Mạc”, tên gọi ấy cũng bắt nguồn từ thuở khai sinh ra làng, gắn liền với những dấu ấn lịch sử từ xa xưa. Mảnh đất Đại Phong ngày nay vốn được hình thành vào những năm Cảnh Thống thứ 5 của đời Lê Hiến Tông – tức là khoảng vào năm 1508 có tên gọi là làng Đại Phúc Lộc. Làng có 12 dòng họ di cư từ xứ Thanh, Nghệ vào đây khai khẩn từ sau khi nhà vua Chiêm Thành là Chế Củ dang ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt. Vị tri huyện đầu tiên là Hoàng Hối Khanh. 

Tương truyền rằng, vào thời nhà Mạc – Mạc Đăng Dung thấy làng Đại Phúc Lộc (Đại Phong nay) có nhiều nhân vật kiệt xuất cả văn lẫn võ. Ngay tại trong triều đình có đến 4 vị quận công cùng làm quan lớn (Hoàng Quận Công, Võ Quận Công, Phạm Quận Công và Đặng Quận Công). Mạc Đăng Dung cho rằng, một làng mà có đến bốn quận công nắm tứ trụ triều đình thì nhà vua rất dễ bị lấn át quyền uy nên đã sai sứ thần sang nước Tàu (Trung Quốc) tìm một nhà địa lý giỏi về phong thủy đến tận làng để xét địa hình, xem địa lý, nhận diện phong thủy. Sau khi nghiên cứu, thầy địa lý dâng sớ tâu lên nhà vua rằng: Đất Đại Phúc Lộc là thế đất có hình dáng con Phụng – “Đơn phụng hàm thơ” – một cánh ở sông Bình Giang (Hà Thanh), một cánh ở Kẻ Thá (An lạc nay), đuôi của nó ở làng Mỹ Phước, mỏ là Mũi Viết, đấy là đất đế vương, nếu nhà vua không kịp thời yểm long mạch thì đất ấy với 4 vị Tứ Trụ ấy sẽ lấn át cả triều đình. Nghe vậy, Mạc Đăng Dung đã phái người, dẫn lính về làng Đại Phúc Lộc “mổ điều con Phụng” bằng cách đào từ Mũi Viết trở vào một cái hói nhỏ dài khoảng 200m. 

                                      Cầu chợ Hôm - nơi nhà Mạc đã cho khơi nguồn, đào hói yểm long mạch

Theo lời kể của các cụ có tuổi trong làng, tương truyền, khi 2 đội quân nhà Mạc đào vùng đất này thì trong lòng đất tuôn ra một mạch nước đỏ ngầu như máu, và người ta truyền rằng đó chính là máu con Phụng. Từ đó mảnh đất đầu cầu nơi giáp giới hai làng Kẻ Đợi và Kẻ Tuy trở thành lòi hoang, xuất hiện “Lùng kiều” một vùng cây rậm rạp, hoang vu. Dân hai làng đã xây dựng ở đó ngôi chùa có tên là chùa Hoằng Phúc, đêm ngày đèn nến lung linh. Chùa làng như chiếc mào con Phụng. Cạnh chùa là hai ngôi đình lớn của làng Đại Phong và làng Tuy Lộc ngự chỗ đôi mắt Phụng. Bắc qua hói nhỏ là một chiếc cầu gỗ kiến trúc theo kiểu “thượng gia hạ kiều” tức là trên nhà dưới cầu. Dân làng đã cho xây dựng một ngôi miếu thờ con Phụng ở chỗ đất nhô ra sông Kiến Giang như chiếc mõ chim Phụng ngay cửa con hói. Những năm Pháp qua xâm chiếm, để làm đồn Tuy Lộc miếu thờ bị phá bỏ, đến nay chỉ còn lại là một mảnh đất hoang.

                     Vùng đất hoang, năm xưa là miếu thờ con Phụng

Ở dưới chân cầu ấy, hàng năm cứ đến mùa hạ là dân hai làng Tuy - Đợi tổ chức ngày hội "Tát vung" cầu mưa. Trai đinh hai làng đắp hai cái đập nhỏ ở hai đầu ngăn một quãng hói, rồi lấy cái vung nồi đồng làm gầu tát nước ra. Trai mỗi làng, số lượng bằng nhau, đứng mỗi đầu. Ở quãng giữa làng cho thả một cái nồi đồng to. Hễ bên nào tát khỏe hơn thì nồi trôi về phía ấy. Nước cạn, nồi trôi về đầu nào thì bên đó thắng, được làng thưởng hậu. Đoạn hói ấy được cho là rất linh thiêng nên hễ có hội "Tát vung" liền được mưa.

Mãi cho đến thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 qua hàng năm nhân dân tiếp tục nạo vét đào dài thêm hói Đại Phong để lấy nước sinh hoạt nên mới hình thành con hói kéo dài đến Mỹ Phước như ngày nay. 

Nguyên Hoàng - sưu tầm và giới thiệu

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Có 1 nhận xét Đăng nhận xét

avatar

Mảnh đất Đại Phong quả nhiều nhân kiệt. Thế hệ đi sau nối tiếp thế hệ đi trước viết thêm trang vàng vào lịch sử quê hương. Hy vọng một ngày nào đó tôi được về thăm mảnh đất này, tác giả bài viết sẽ dẫn dắt cho tôi hiểu sâu hơn nữa về mảnh đất nổi tiếng này.